Khởi nghiệp từ nghề nuôi chim yến và trồng cây dược liệu

Khởi nghiệp từ nghề nuôi chim yến và trồng cây dược liệu

Từ bỏ vị trí Trưởng phòng của một công ty nhà nước với thu nhập ổn định để khởi nghiệp từ nghề nuôi chim yến và trồng cây dược liệu, nhiều người cho là mạo hiểm nhưng đối với anh Nguyễn Duy Thạnh (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) lựa chọn này đơn giản là một ngã rẽ mới do đam mê kinh doanh thôi thúc.

Anh Nguyễn Duy Thạnh (35 tuổi) tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2006. Thay vì làm ổn định ở thành phố, anh Thạnh chọn trở về quê và ra thành phố Đà Nẵng để kinh doanh phế liệu. Với số vốn ban đầu 15 triệu đồng vay từ người thân, anh Thạnh đã thu mua phế liệu từ các nhà hàng kinh doanh ăn uống ở thành phố biển. Đối với anh Thạnh, làm bất cứ nghề gì cũng cần có sự khác biệt, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh khi mình đi sau người khác. Tìm được nguồn cung cấp phế liệu, anh Thạnh trang bị cho các nhà hàng những vật dụng phân loại rác để thuận tiện cho việc thu gom, xử lý. Công việc này đã giúp anh có số vốn tương đối. Điều quan trọng hơn mà anh Thạnh có được là sự tự tin từ triển khai ý tưởng kinh doanh.

Năm 2011, để về gần nhà, có điều kiện chăm sóc gia đình, anh Thạnh đã xin vào làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Quảng Nam ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình. Trong lĩnh vực mới, với sự cố gắng của bản thân sau nhiều năm anh Thạnh được sự tín nhiệm của lãnh đạo Công ty và đồng nghiệp, trở thành Trưởng phòng Kế hoạch xây dựng cơ bản. Chính thời gian làm việc ở Công ty giúp anh Thạnh có điều kiện đi nhiều nơi và bắt đầu bén duyên với nghề nuôi chim yến.

Anh Nguyễn Duy Thạnh cho biết, yến sào là một loại dược phẩm quý. Việt Nam là một trong những quốc gia có sản phẩm yến sào đạt chất lượng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường cũng xuất hiện nhiều sản phẩm yến sào trôi nổi không rõ nguồn gốc, vì vậy nhu cầu về yến sào chất lượng là rất lớn. Từ suy nghĩ đó, bên cạnh công việc chuyên môn ở Công ty, anh Thạnh đã góp vốn chung với nhiều bạn bè nuôi chim yến. Một lĩnh vực hoàn toàn mới, có nhiều rủi ro vì đi kinh doanh “chim trời, cá nước”. Thay vì bỏ tiền ra xây dựng những ngôi nhà nuôi yến mới, nhóm của anh Thạnh đi tìm mua lại những nhà yến có sẵn và tiến hành cải tạo nâng cao sản lượng thu hoạch. Hiện nay, anh Thạnh đang có cổ phần ở 10 nhà nuôi chim yến nằm rải rác ở các tỉnh như Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bình Dương, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh và trực tiếp làm Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Tiên Phong với sản lượng chế biến đưa ra thị trường từ 10-15 kg yến sào mỗi tháng. Đây là mặt hàng có giá trị kinh tế lớn, với giá bán hơn 30 triệu đồng/kg yến sào. Công ty của anh Thạnh chuẩn bị khai trương một cửa hàng bán yến sào tại thành phố Tam Kỳ.

Thành công từ sản phẩm yến sào, anh Thạnh tiếp tục chọn đầu tư phát triển cây dược liệu. Để dành chọn thời gian cũng như tâm lực cho 2 lĩnh vực này, anh Nguyễn Duy Thạnh đã xin nghỉ việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Quảng Nam.

Theo anh Thạnh, khởi nghiệp trong lĩnh vực trồng cây dược liệu không thể thiếu sự liên kết với các nhà khoa học để có được nguồn giống cây chuẩn, cũng như liên kết với các công ty dược để tạo ra sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường. Vì vậy, từ nhiều năm trước anh Thạnh đã làm việc với Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) để đặt hàng tạo ra giống ba kích tím lai, kết hợp giữa giống ba kích tím sống dưới những tán rừng già ở Quảng Nam với giống ba kích tím ở tỉnh Quảng Ninh. Những cây ba kích tím lai được anh Thạnh trồng ở hai môi trường khác nhau, dưới tán cây cao su và trồng trực tiếp ngoài vườn đồi. Với gần 20 ngàn cây ba kích tím hiện có, khoảng 2 năm nữa anh Thạnh có thể cho thu hoạch 40 tấn củ, cao gấp nhiều lần về sản lượng so với giống ba kích bản địa. Đồng hành với vườn cây dược liệu của anh Thạnh luôn có kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Hữu Thành. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Huế, tình cờ gặp và biết được ý tưởng trồng cây dược liệu của anh Nguyễn Duy Thạnh, Thành đã tình nguyện về làm việc, gắn bó với công việc chăm sóc, nghiên cứu đặc tính sinh trưởng của cây ba kích tím.

Anh Nguyễn Duy Thạnh còn đang hợp tác với Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng để bào chế những viên thuốc thực phẩm bổ sung từ cây mật nhân và cây cà gai leo. Những lọ thuốc dạng viên này chủ yếu được bán trực tuyến qua mạng với số lượng 2.000 lọ mỗi năm và được xem như một cách để khảo sát thị trường.

Với những kinh nghiệm có được trong việc trồng và chế biến một số loại cây dược liệu, anh Nguyễn Duy Thạnh đang triển khai dự án “Phát triển và chế biến vùng dược liệu sạch” rộng 200 ha ở xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức. Dự án sẽ tạo ra vùng nguyên liệu gồm các loại cây như ba kích tím, cây cà gai leo, cây đinh lăng gắn với nhà máy chế biến. “Tỉnh Quảng Nam có tiềm năng rất lớn về cây dược liệu nhưng lại chưa có vùng trồng nguyên liệu tập trung. Trong khi Chính phủ cũng như tỉnh đang có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội tốt để hiện thực hóa ý tưởng, dự kiến cuối năm 2017 sẽ bắt đầu triển khai dự án trồng cây dược liệu”, anh Nguyễn Duy Thạnh chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, Nguyễn Như Công, huyện rất ủng hộ dự án “Phát triển và chế biến vùng dược liệu sạch” và đang hỗ trợ doanh nghiệp của anh Nguyễn Duy Thạnh trong quá trình tích tụ ruộng đất. Dự án này sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra vùng dược liệu có quy mô lớn cung cấp cho nhà máy chế biến, tạo ra những sản phẩm trà thảo dược, nước giải khát, thực phẩm chức năng, cao thuốc./.

(Đỗ Trưởng: dantocmiennui.vn)

Chia sẻ bài viết